icon icon

Kỳ tích xuất nhập khẩu vượt 800 tỉ USD

Đăng bởi admin vào lúc 06/12/2024

Năm 2024, dự kiến xuất nhập khẩu của VN tăng mạnh, lần đầu vượt mốc 800 tỉ USD. Nỗ lực vượt trội của doanh nghiệp cùng sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, bộ, ngành là yếu tố quan trọng giúp đem về "trái ngọt" năm nay.

Trong bức tranh chung của xuất nhập khẩu (XNK), điểm sáng nhất phải kể đến là ngành dệt may khi đã nỗ lực "xanh hóa" sản phẩm.

Nông sản, dệt may… tỏa sáng

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, chia sẻ thời gian qua, May Hưng Yên đã kịp thời chuyển đổi phương thức sản xuất.

"Trước đây, chúng tôi sản xuất theo trào lưu chung của Mỹ, châu Âu là thời trang nhanh, làm nhiều nhưng bán thừa là chôn lấp, đốt bỏ. Hiện nay, các nhà mua hàng không đặt hàng nhiều như xưa, mà chuyển dần sang thời trang hiện đại theo hướng kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Theo đó, chúng tôi hướng tới sản xuất lượng hàng ít đi nhưng bền, chắc. Đó cũng là một trong những định hướng đáp ứng được tiêu chí xanh, tuần hoàn", ông Dương nói.

Cận kề những tháng cuối năm, trả lời Thanh Niên, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) Vũ Đức Giang không giấu nổi niềm phấn khởi khi nhắc tới xuất khẩu (XK). Từ khoảng cuối tháng 8, ông Giang đã khẳng định chắc nịch "XK dệt may cả năm sẽ đạt mục tiêu 44 tỉ USD". Theo thông tin được Vitas công bố giữa tháng 11, cả năm nay, dự báo toàn ngành dệt may xuất siêu 19 tỉ USD, tăng 6,93% so với năm trước.

Khác hẳn những khó khăn chất chồng trong 2023, năm nay, đơn hàng dệt may tương đối dồi dào. Từ khoảng giữa năm, nhiều doanh nghiệp (DN) đã kín đơn hàng XK cả năm, thậm chí rục rịch đàm phán cho đơn hàng XK 2025. "Hiện tại, hầu hết DN trong ngành dệt may đã có đơn hàng quý 1/2025, đang đàm phán đơn hàng cho quý 2/2025", ông Giang cho biết.

Xuyên suốt 2024, XNK của VN cơ bản khởi sắc hơn 2023. Nhìn lại toàn cảnh "bức tranh" XK, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), chỉ ra những điểm "rất đáng mừng", trong đó những mặt hàng tưởng như giảm sút sức cạnh tranh như dệt may, da giày đã quay trở lại câu lạc bộ các mặt hàng XK đạt 10 tỉ USD. Ngoài ra, VN đã giữ vững vị thế, nâng cao giá trị XK ở khu vực nông sản, từ đó đóng góp vào thành công của XK nói chung.

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), cũng nhìn nhận điểm đặc biệt trong XK hàng hóa năm nay là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng nông sản. Ông Phương nhắc đi nhắc lại đây là "dấu hiệu tốt" bởi nông sản là mặt hàng XK chủ lực của DN VN.

"Giá nhiều mặt hàng nông sản XK tăng mạnh, điển hình như giá gạo XK của VN hiện vào loại cao nhất thế giới. Cùng chủng loại, trước đây, gạo Thái Lan thường có giá cao hơn gạo Việt nhưng năm nay ngược lại. Cạnh đó, giá XK cà phê, rau quả, chè… cũng tăng đáng kể", ông Phương nói.

Bộ NN-PTNT cũng đánh giá giá trị XK toàn ngành nông nghiệp năm 2024 dự báo đạt 60 - 61 tỉ USD. Đây là kỷ lục, cột mốc mới, tăng đáng kể so với con số hơn 53 tỉ USD đạt được năm 2023. Trong đó, rau quả, gạo, hải sản, cà phê... là những ngành tăng trưởng mạnh mẽ.

Trả lời Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, dự báo cả năm nay ngành rau quả sẽ thiết lập kỷ lục XK mới với giá trị 7 - 7,2 tỉ USD. Trong đó, sầu riêng là loại trái cây đóng góp nhiều nhất, dự kiến đạt 3,2 tỉ USD. Ngoài ra, giá trị XK chuối ghi nhận tăng trưởng hơn 24%, xoài tăng 40%, mít tăng 25%...

"Trước đây, Trung Quốc mua sầu riêng nhiều nhất từ Thái Lan, mua chuối nhiều nhất từ Philippines, nhưng nay hàng VN đã vươn lên mạnh mẽ. VN đã thay thế Philippines trở thành nhà cung cấp chuối lớn nhất cho Trung Quốc. Ngoài sầu riêng, chuối, hiện nay VN là nguồn cung lớn về mít cho thị trường Trung Quốc", ông Nguyên thông tin.

Tận dụng tốt cơ hội thị trường

Nhìn nhận tổng thể, hoạt động XNK của VN trải qua năm 2024 tương đối thuận lợi. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch XNK ước đạt khoảng 715 tỉ USD, tăng 15,3%; xuất siêu trên 23 tỉ USD. Ước cả năm, kim ngạch XNK đạt 807,7 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Cho rằng lần đầu tiên XNK cán mốc hơn 800 tỉ USD là kết quả "rất đáng mừng, rất tích cực", ông Lê Quốc Phương phân tích thêm năm nay tuy tốc độ nhập khẩu (NK) tăng mạnh hơn XK nhưng VN vẫn xuất siêu, dự kiến khoảng 25 - 27 tỉ USD. Trong cơ cấu NK, NK tư liệu sản xuất chiếm khoảng 94%, còn lại là nhập hàng tiêu dùng. NK tăng cho thấy DN đang đẩy mạnh NK để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất, XK thời gian còn lại của năm 2024 và năm sau.

Nhìn nhận nguyên nhân giúp VN gặt hái những "trái ngọt" trong XNK năm nay, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), cho rằng trước tiên là do kinh tế thế giới có sự phục hồi.

"XK trước tiên phải phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường thế giới, có nhu cầu thì XK mới phát triển. Cạnh đó, một số quốc gia có mặt hàng XK cạnh tranh với VN đang gặp phải các vấn đề khủng hoảng, ví dụ như trường hợp Bangladesh với mặt hàng dệt may. Họ khủng hoảng, nên một số khách hàng tìm tới các thị trường khác để thay thế và DN dệt may VN có cơ hội. Ngoài ra, nền kinh tế trong nước cũng có sự hồi phục giúp DN gia tăng động lực nội tại để cải thiện tốt hơn", bà Thảo nói.

Tương tự, theo ông Phương, năm 2024, kinh tế thế giới khởi sắc hơn 2023. Đặc biệt, năm nay lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn có xu hướng giảm khiến nhu cầu thế giới tăng lên. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất giúp XK của VN đạt kết quả tích cực. Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh yếu tố cả DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN nội địa đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay ở thời điểm còn khó khăn để sẵn sàng đón nhận cơ hội; khi nhu cầu thế giới tăng trở lại trong năm nay, DN lập tức thúc đẩy XK. Cùng đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã tạo điều kiện thuận lợi để DN phục hồi, vượt lên, có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt, trong đó có XNK…

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Các dự án lớn sử dụng các thương hiệu thép hàng đầu Việt Nam

Hotline: 02433531234 Hotline: 0987895616 Hotline: 0914624496